Đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (1A Phó Đức Chính, Q.1 - TP.HCM), du khách sẽ bắt gặp một tượng đồng lớn (khoảng 235x80 cm) đứng sừng sững trong một góc của khuôn viên lộ thiên.
Đó là bức tượng toàn thân của một người đàn ông trung niên với tư thế đứng hơi rướn người về phía trước, tay trái ôm những cuộn giấy (có lẽ là những sắc phong), tay phải cầm cuộn giấy đã mở hé một phần, trang phục theo kiểu truyền thống người Hoa được chạm khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết: những nếp gấp ở tay áo, gấu áo thật mềm mại, sinh động - đẹp nhất là những hoa văn li ti phủ khắp mặt áo và những tấm huy chương Long bội tinh, Bắc đẩu bội tinh chạm khắc trên ngực áo... Một bức tượng thật đẹp, khiến du khách ai cũng phải dừng chân tò mò: tượng ai đây? Cúi sát mặt xuống bệ tượng mới thấy một mảnh giấy nhỏ hình chữ nhật ghi vỏn vẹn 3 chữ: "Tượng Quách Đàm!"
Quách Đàm sinh năm 1863, quê gốc Triều Châu (Trung Quốc), 17 tuổi theo chú sang Việt Nam. Xuất thân từ gánh ve chai dạo khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, chỉ mấy năm sau Quách Đàm đã trở thành chủ hàng buôn Thông Hiệp (cũng là tên hiệu của ông) chuyên nhập khẩu đường cát và xuất khẩu lúa gạo. Khoảng cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, nhận thấy Chợ Lớn cũ đã trở nên quá chật hẹp, Quách Đàm bèn xuất tiền xây dựng ngôi chợ mới, khởi công năm 1928 và khai trương ngày 14.3.1930 đặt tên là chợ Bình Tây (nằm ở đường Tháp Mười, phường 2, quận 6 hiện nay). Bình Tây là ngôi chợ lớn nhất ở TP.HCM và là ngôi chợ duy nhất có... một vườn hoa giữa chợ. Chính tại vườn hoa này, tượng Quách Đàm đã được dựng lên để ghi nhớ người khai sinh ra ngôi chợ. Tượng Quách Đàm đã định vị tại đây cho đến năm 1975 thì được đưa vào... cất trong Phòng Văn hóa - Thông tin quận 6 và đến năm 2003 thì được di dời về trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tại chiếc bệ đá nơi từng đặt tượng ở chợ Bình Tây, nay đặt một lư hương để bà con tiểu thương ngày 2 lần đến thắp nhang khấn vái ông Quách Đàm - "thần tài" của họ.
Tác giả: Hà Đình Nguyên
Ảnh: Diệp Đức Minh